Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty TNHH) là loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất trong thị trường hiện nay. Đa số các doanh nhân khởi nghiệp sẽ thường chọn thành lập Công Ty TNHH, vì công ty TNHH có nhiều lợi thế hoạt động hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, hạn chế được nhiều rủi ro khi bắt đầu khởi nghiệp. Song song đó, loại hình công ty TNHH cũng có nhiều tiện ích về mặt quản lý số liệu sổ sách.
Vì sao nên thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn?
Công ty TNHH có tư cách pháp nhân ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trở thành một thực thể pháp lý độc lập. Điều này đảm bảo rằng công ty có thể tham gia vào các giao dịch pháp luật với tư cách riêng mà không liên quan đến cá nhân các thành viên.
Tư cách pháp nhân của công ty TNHH thể hiện rằng công ty là một thực thể pháp lý độc lập, có các đặc điểm sau:
Thành lập hợp pháp: Công ty TNHH được thành lập theo quy định của pháp luật, tuân thủ các quy định và quy trình pháp lý liên quan, bao gồm việc đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ cấu tổ chức, quản lý chặt chẽ: Công ty TNHH có cấu trúc tổ chức rõ ràng, bao gồm các bộ phận quản lý, điều hành, giám sát, và các thành viên góp vốn, đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả.
Tài sản riêng: Công ty TNHH sở hữu tài sản riêng, độc lập với tài sản cá nhân của các thành viên. Công ty tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các nghĩa vụ pháp lý và tài chính.
Tham gia quan hệ pháp luật độc lập: Công ty TNHH có thể tham gia vào các giao dịch, hợp đồng và quan hệ pháp luật với tư cách là một thực thể riêng biệt, không phụ thuộc vào tài sản hay nghĩa vụ của các thành viên.
Những đặc điểm này giúp nâng cao uy tín của công ty TNHH khi làm việc với đối tác và khách hàng, bởi công ty được nhìn nhận như một đơn vị pháp lý độc lập, có trách nhiệm rõ ràng và minh bạch. Tư cách pháp nhân cũng tạo nên sự tách biệt giữa tài sản của công ty với tài sản của các thành viên góp vốn, giúp bảo vệ tài sản cá nhân của họ trong trường hợp công ty gặp phải khó khăn tài chính.
>>> Đây là điểm khác biệt đáng chú ý của việc vì sao nên thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn so với doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể.
Công ty TNHH có chế độ trách nhiệm hữu hạn
Công ty TNHH có chế độ trách nhiệm hữu hạn, có nghĩa là trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc các thành viên góp vốn chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn mà họ đã cam kết góp vào công ty.
Giới hạn trách nhiệm
Đối với công ty TNHH một thành viên (MTV), chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp.
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã cam kết góp.
Trách nhiệm của công ty
Khi công ty TNHH phát sinh các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính, công ty phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Tuy nhiên, tài sản cá nhân của các thành viên hoặc chủ sở hữu sẽ không bị ảnh hưởng, vì họ chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã đầu tư.
Hạn chế rủi ro
Đây là một đặc điểm pháp lý quan trọng của công ty TNHH, giúp giảm thiểu rủi ro cho chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn, đảm bảo rằng họ sẽ không phải sử dụng tài sản cá nhân để chi trả các khoản nợ hoặc nghĩa vụ vượt quá số vốn đã góp vào công ty.
So sánh với các loại hình khác: Đặc điểm này không tồn tại trong doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nơi mà chủ doanh nghiệp hoặc các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, tức là họ có thể phải sử dụng tài sản cá nhân để chi trả (nếu công ty rơi vào khó khăn tài chính).
Nhờ chế độ trách nhiệm hữu hạn, loại hình công ty TNHH giúp bảo vệ tài sản cá nhân của chủ sở hữu và các thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh mà không phải lo lắng về các rủi ro tài chính cá nhân vượt quá vốn góp.
Công ty TNHH có mô hình tổ chức đơn giản
Điều này mang lại nhiều lợi ích trong quá trình quản lý và vận hành doanh nghiệp.
Bộ máy quản lý đơn giản
Hội đồng thành viên: Là cơ quan cao nhất trong công ty TNHH, nơi các thành viên góp vốn tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của công ty.
Chủ tịch Hội đồng thành viên: Điều hành các cuộc họp của Hội đồng thành viên, chịu trách nhiệm lãnh đạo và đại diện công ty trong các hoạt động.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: Đảm nhận việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty.
Đối với công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên, pháp luật yêu cầu phải thành lập Ban kiểm soát để giám sát hoạt động tài chính và quản lý của công ty.
So sánh với công ty cổ phần (CP)
Cơ cấu của công ty CP phức tạp hơn với các cơ quan quản lý như: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc), Ban kiểm soát. Việc quản lý công ty CP cũng được quy định nghiêm ngặt hơn do tính chất mở của loại hình này, với nhiều cổ đông và quy mô hoạt động lớn hơn.
Ưu điểm của công ty TNHH
- Cơ cấu gọn nhẹ giúp công ty TNHH dễ dàng hơn trong việc quản lý và điều hành.
- Quy trình ra quyết định cũng đơn giản hơn, không phức tạp như công ty CP, nơi cần sự tham gia của nhiều cổ đông và cơ quan quản lý khác nhau.
- Chi phí quản lý thấp hơn do không phải duy trì nhiều chức danh hay bộ phận như trong mô hình của công ty CP.
Nhìn chung, với mô hình tổ chức gọn nhẹ, công ty TNHH mang lại sự linh hoạt trong quản lý và dễ dàng hơn trong việc điều hành doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Công ty TNHH phù hợp với công ty vừa và nhỏ
Bởi vì số lượng thành viên công ty TNHH không nhiều: 01 thành viên đối với công ty TNHH MTV, từ 02 đến tối đa 50 thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, cũng như về cơ cấu tổ chức quản lý gọn nhẹ nên nếu bạn định hướng thành lập doanh nghiệp nhỏ, từng bước phát triển công ty, không muốn có sự tham gia của nhiều người lạ tác động vào công ty thì loại hình công ty TNHH là sự lựa chọn đáng được cân nhắc.
Công ty TNHH là mô hình lý tưởng cho những ai đang khởi nghiệp, hoặc có kế hoạch phát triển từng bước, vì mô hình này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ bắt đầu với số vốn và số thành viên vừa phải.
Trong quá trình phát triển, nếu công ty TNHH muốn mở rộng quy mô kinh doanh, chủ sở hữu có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều này tạo sự linh hoạt cho công ty trong việc điều chỉnh mô hình hoạt động khi cần thiết.
Công ty TNHH dễ dàng chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Công ty TNHH có 02 hình thức là công ty TNHH MTV và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2020/NĐ-CP, công ty TNHH có thể thực hiện các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phổ biến như chuyển đổi qua lại giữa 02 hình thức của công ty TNHH, chuyển đổi từ công ty TNHH thành công ty CP.
Việc chuyển đổi công ty TNHH MTV thành công ty TNHH hai thành viên trở lên thường được tiến hành khi chủ sở hữu công ty muốn huy động vốn góp từ người khác mở rộng quy mô công ty.
Chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty TNHH MTV vì bất kỳ lý do gì số lượng thành viên chỉ còn 01 thành viên.
Khi thực hiện chuyển đổi qua lại giữa 02 hình thức của công ty TNHH sẽ đơn giản hơn chuyển đổi từ công ty TNHH thành CTCP vì không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sở hữu công ty đối với tài sản của công ty, tên công ty (nếu tên công ty không chứa thành tố phụ “một thành viên”, “hai thành viên”)…
Dễ dàng kiểm soát vốn
Việc chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH được kiểm soát chặt chẽ, bởi các thành viên trong công ty thường có mối quan hệ tin cậy và quen biết lẫn nhau. Điều này giúp việc kiểm soát sự thay đổi thành viên và quản lý công ty trở nên dễ dàng, đồng thời giúp các thành viên nắm bắt tốt tình hình nội bộ.
Ngược lại, trong công ty cổ phần (CTCP), cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho bất kỳ ai, khiến quá trình chuyển nhượng diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát nội bộ.
Mức thuế thu nhập cá nhân chủ sở hữu/thành viên góp vốn khi rút lợi nhuận thu được của Công ty TNHH
Chủ sở hữu công ty TNHH MTV không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập còn lại sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thành viên góp vốn công ty TNHH hai thành viên trở lên phải chịu thuế TNCN là 5% trên mức lợi nhuận được chia từ công ty TNHH sau khi đã khấu trừ thuế TNDN của công ty.
Trên đây là các lý do vì sao nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) bạn đọc nên tìm hiểu kỹ để có sự lựa chọn phù hợp cho việc khởi nghiệm cũng như phát triển kinh doanh dài hạn.
Chúng tôi luôn ở đây:
Công Ty TNHH Kế Toán 3T Đồng Nai
Địa chỉ: 139B/2 Nhân Hoà, Tây Hoà 04, H.Trảng Bom, T.Đồng Nai.
Hotline 1: 0852 800 808
Hotline 2: 0853 800 808
Email: cskh@ketoan3t.net
Website: ketoandongnai.net